{[['']]}
ảnh minh họa
Đời người con gái một lần bước lên xe hoa là hân hoan hạnh phúc. Nhưng với tôi, ngày vu quy lại là ngày chịu nhiều tủi hờn.
Bao nhiêu đêm tôi đã khóc hết nước mắt vì tình cảnh éo le của mình. Một bên là gia đình, một bên là người mình yêu. Bên tình - bên hiếu, tôi và anh phải làm sao bây giờ? Chúng tôi sẵn sàng chấp nhập mọi rủi ro trong đường đời, chỉ cần ông trời phù hộ cho chúng tôi lấy được nhau. Sát cánh bên nhau, chúng tôi sẽ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn.
Cuộc hôn nhân của tôi bị cả hai gia đình nhất loạt phản đối. Cha mẹ tôi thì không chấp nhận anh bởi sự ngang tàng, có phần hơi bất cần và liều lĩnh. Bố mẹ tôi cần một cậu con rể hiền lành, biết tu tỉnh làm ăn, có tính ổn định vì ông bà không muốn tôi phải khổ. Lấy anh, tôi sẽ phải đối mặt với quá nhiều rủi ro. Ngay khi biết tôi yêu anh, gia đình tôi đã phản đối quyết liệt. Nào là “cái mặt nó không đáng tin cậy”. Nào là “hết đàn ông rồi hay sao mà lại đâm đầu vào thằng ấy?”.
Nhưng tình yêu có những lý lẽ không thể nào giải thích được. Tôi yêu anh và muốn trở thành người phụ nữ của đời anh. Chúng tôi sẽ sinh con đẻ cái và hưởng cuộc sống vợ chồng như bao cặp đôi khác. Nếu như bố mẹ tôi nhìn nhận anh là kẻ liều lĩnh, không đáng tin cậy, thì tôi lại nhận thấy ở anh sự mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ dám làm và dám chấp nhận rủi ro để bước tiếp.
Phía gia đình anh cũng không chấp nhận tôi. Lý do của họ đơn giản chỉ vì tôi là con gái Thanh Hóa. Không hiểu vì sao bố mẹ anh kì thị dân Thanh Hóa đến mức cay nghiệt. Ngay khi biết tôi và anh yêu nhau, mẹ anh đã tìm đến tôi. Không cần phải rào trước đón sau, bà nói thằng với tôi: “Gia đình tôi không chấp nhận cô. Vì vậy, tôi cứ nói trước cho cô liệu đường thu xếp. Hai đứa có yêu nhau thì cũng không có chuyện cưới xin gì hết. Không được sự cho phép của gia đình thì không đứa con gái nào được bước chân vào nhà tôi đâu”.
Sau màn chào hỏi choáng váng ấy, gia đình anh còn liên tục gây sức ép đến bạn bè và đồng nghiệp của tôi, mong tôi nản chí. Họ còn không ngần ngại loan tin: Anh đã đính hôn với cô gái vốn là con một ngườ bạn thân của gia đình. Hai bên gia đình đã hẹn ước từ khi anh và cô gái ấy còn ở tuổi dậy thì. Hai gia đình đang chọn ngày lành tháng tốt để làm đám cưới.
Khi tôi hỏi, anh không phủ nhận tin ấy. Hai bên gia đình vốn là hàng xóm thân thiết từ ngày xưa, nên chuyện hẹn ước là có thật. Nhưng anh bảo, đó là chuyện của các cụ, ngày xưa thân nhau thì hẹn ước thế. Chứ bây giờ là thời trai gái tự do tìm hiểu, làm gì còn kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nữa. Anh bảo, với anh dứt khoát không yêu thì không cưới. Anh và cô gái hàng xóm năm xưa giờ vẫn giữ liên lạc với nhau. Cô ta đang du học ở nước ngoài và đã có người yêu là bạn học bên ấy. Vì thế tôi đừng quá lo âu.
Nhưng tôi không lo âu sao được khi mẹ anh đã chính thức “tuyên chiến” với tôi. Bà không chấp nhân tôi, thì anh, dù có yêu tôi nhiều đến bao nhiêu cũng không thể qua mặt mẹ đẻ của mình. Nhưng anh đã vì tình yêu với tôi mà dám làm tất cả. Anh bảo tôi có dám vượt qua mặc cảm, định kiến của bố mẹ tôi để đến với anh không? Nghe anh hỏi mà tôi đau thắt tim.
Không thể thuyết phục được gia đình, anh bàn với tôi, chúng tôi sẽ tự đi đăng ký kết hôn, tự lo cho cuộc sống của mình. Chỉ cần chúng tôi yêu thương nhau, rồi thời gian sẽ giúp hai bên gia đình hiểu và chấp nhận chúng tôi. Tôi đã muốn bỏ cuộc. Cuộc tình ngang trái này làm tôi kiệt quệ. Tôi không thiếu những lựa chọn khác, những người đàn ông khác sẵn sàng đến với tôi. Nhưng chính anh đã giúp tôi mạnh mẽ hơn, dù trong lòng vẫn còn trĩu nặng bao tâm tư.
Tôi gạt nước mắt, cùng anh đi làm thủ tục đăng kí kết hôn. Một đám cưới khiêm tốn với khoảng hai chục bạn bè thân thiết của chúng tôi đã diễn ra tại một nhà hàng trên phố. Gia đình hai bên không ngớt điện thoại, gây sức ép đến chúng tôi. Rồi tệ hơn, họ còn quay sang nhiếc móc nhau, bên này coi bên kia là nguyên nhân của cuộc hôn nhân tệ hại này.
Ngày vu quy, đón nhận những lời chúc phúc của bạn bè mà tôi cứ cố phải ngăn nước mắt chực trào ra. Giờ đây, không còn cách nào khác, chúng tôi phải chứng minh sự lựa chọn đúng đắn của mình bằng chính cuộc sống của hai vợ chồng. Cũng may, chúng tôi đều có công việc và thu nhập đủ để trang trải lo toan cho một cuộc sống gia đình. Anh trả lại nhà bố mẹ mua cho mình, để thuê một căn nhà nhỏ, cùng tôi chung sống.
Dù tuyên bố cắt đứt mọi liên lạc với chúng tôi, nhưng tôi biết hai bên gia đình vẫn dõi theo chúng tôi. Bố mẹ tôi vẫn nhờ người mang gạo cũng như lương thực thực phẩm lên cho tôi. Tôi biết, cha mẹ tôi dù không thích anh, nhưng giờ đây ông bà vẫn không thể đành lòng bỏ mặc đứa con gái út của mình. Tôi vẫn gọi điện về nhà. Dù bố mẹ từ chối không nghe điện thoại, nhưng tôi vẫn nắm được tin tức qua chị dâu trưởng. Qua chị dâu, tôi cũng kể về cuộc sống của mình, những mong bố mẹ tôi sẽ phần nào yên tâm hơn.
Nửa năm sau ngày cưới, lấy cớ đi thăm họ hàng trên Hà Nội, bố tôi đến chỗ khu trọ của chúng tôi. Khi tôi đi làm về thì thấy bố và chồng tôi đang ngồi nói chuyện. Thoáng nhìn, tôi thót tim vì lo sợ. Nhưng khi nhìn vẻ mặt của hai người, lòng tôi bình tâm trở lại. Vào bếp làm cơm mời bố ăn, tôi vẫn dỏng tai nghe cuộc trò chuyện của hai người.
Tôi mừng thầm vì nhận thấy chồng tôi chừng mực hơn trong cách nói chuyện, còn bố tôi cũng không còn quá gay gắt với con rể như ngày trước nữa. Ông hỏi han cuộc sống của hai vợ chồng, rồi gửi gắm chồng tôi chăm sóc con gái thay ông. Nghe bố nói mà tôi rưng rưng nước mắt. Dù đã 27 tuổi đầu, nhưng trong mắt bố mẹ, tôi vẫn là đứa con bé bỏng, thơ dại mà ông bà chưa thể yên lòng.
Động thái mới từ phía gia đình khiến tôi vững tâm hơn. Một hàng rào đã được hạ xuống. Tín hiệu đèn xanh đã được bât. Hè năm đó, hai vợ chồng tôi về Thanh Hóa thăm cha mẹ, và cả nhà cùng nhau đi nghỉ mát. Mọi hờn trách dỗi dằn được gỡ bỏ. Hai mẹ con tôi ôm nhau khóc như mưa như gió. Chồng tôi nhìn cảnh ấy, hai mắt cũng đỏ hoe.
Giờ đây, chúng tôi vẫn còn phải tiếp tục đối mặt với cuộc chiến tranh lạnh dai dẳng bên nhà chồng. Bố mẹ anh nhất định không tiếp hai vợ chồng tôi, không cho chúng tôi đến những ngày giỗ chạp hay sum họp gia đình, thậm chí còn không chịu gặp anh. Nỗi khổ tâm này, tôi hiểu, anh phải chịu đau đớn, mất mát hơn tôi rất nhiều. Mọi việc không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chúng tôi cần phải kiên nhẫn.
Đã gần hai năm trôi qua. Chúng tôi đã có cháu trai đầu lòng. Trộm vía cháu khỏe mạnh và lên cân đều. Công việc của chồng tôi ngày càng thuận lợi hơn. Nhưng trong sâu thằm, chúng tôi vẫn còn nỗi buồn chưa thể giải tỏa. Bao giờ bố mẹ anh sẽ mở lòng đón chúng tôi? Chúng tôi sẽ không nản. Chúng tôi sẽ chứng minh cho ông bà biết sự lựa chọn đúng đắn của mình, bằng chính cuộc sống của chúng tôi.
Tôi đã đắn đo rất nhiều trước khi quyết định viết câu chuyện riêng tư này của gia đình lên mặt báo. Tôi không có ước mong nào khác, rằng ông bà sẽ đọc được nỗi lòng này của chúng tôi, và hãy chấp nhận sự lựa chọn của chúng tôi. Tôi không muốn hứa hẹn, thề bồi gì mà chỉ muốn nói với ông bà rằng, con trai chúng tôi vẫn cần một lời chúc phúc của ông bà nội.
nguồn : http://vietbao.vn/
Post a Comment