Latest Post :
Home » , , , » Nhà ba đời chữa... ghẻ!

Nhà ba đời chữa... ghẻ!

{[['']]}
Bà Xơ đang "khêu ổ nấm" cho bệnh nhân.

Ngay từ nhỏ, anh chị em bà Xơ đã được mẹ chỉ dẫn cho cách làm nghề.  13 tuổi, bà đã biết chữa ghẻ cho các bạn trong lớp.

Với thâm niên ngót 40 năm chữa bệnh ngoài da bằng thuốc Nam, tên tuổi của bà Nguyễn Thị Xơ (Mao Yên, Phượng Mao, Quế Võ, Bắc Ninh) đã nổi tiếng khắp vùng. Thậm chí, có người từ Đăk Lăk, TP.HCM cũng nghe tên mà tìm đến chữa trị.

Chữa ghẻ để đổi công

"Nhà tôi có ba đời chữa ghẻ, nhưng mỗi đời chỉ có một người làm được và toàn là phụ nữ", bà Xơ mở đầu câu chuyện một cách tự hào. Quả thật, ngoài bà ngoại và mẹ đẻ, trong số sáu anh chị em (ba trai, ba gái) của bà Xơ được mẹ truyền nghề thì chỉ duy nhất có bà là bám được với nghề. Mấy người kia ở nhà làm ruộng hoặc buôn bán.

Mẹ bà vốn là thầy lang, chuyên bán các loại thuốc Nam, thuốc lá chữa hậu sản, các bệnh về da, thận... nhưng có lẽ nghề "bắt cái ghẻ" là nổi tiếng hơn cả. Ngay từ nhỏ, anh chị em bà Xơ đã được mẹ chỉ dẫn cho cách làm nghề.

13 tuổi, bà đã biết chữa ghẻ cho các bạn trong lớp. "Ngày ấy, ở quê tôi nhiều người bị ghẻ lắm. Nguyên nhân là do mọi người có thói quen tắm gội bằng nước ao không đảm bảo vệ sinh chứ đâu có được dùng nước giếng khoan như bây giờ", bà nhớ lại.

Người ta tìm đến bà ngày càng đông. "Khi đó, tôi chỉ làm cho vui thôi chứ nào có nghĩ đến tiền công", bà bảo. Nhiều người khỏi ngứa, vui mừng lắm nhưng không biết phải "trả công" bà bằng cách nào. Sau đó, không biết ai có "sáng kiến": mỗi người khỏi bệnh sẽ đến... làm giúp bà việc đồng áng như tát nước, cấy hộ... để bà có thời gian chữa cho những người khác. Bà nhẩm tính, có khoảng 30% người trong làng bị ghẻ và được bà chữa khỏi hẳn.

Nhờ học lỏm

Hồi bà Xơ 17 tuổi, nhờ mối làm ăn của mẹ nên bà được nhận vào làm thuê cho gia đình ông bác sĩ về hưu tên Tuấn ở thị trấn Na Hang, Tuyên Quang (làm thuốc chữa các bệnh ngoài da). Trong quá trình làm việc, ông Tuấn thường phổ biến kiến thức cho người làm.

Tuy nhiên, bà kể: "Vì giữ nghề nên ông chỉ nói cho chúng tôi biết những loại bệnh về da, triệu chứng của bệnh chứ không nói cụ thể phải chữa như thế nào". Vì thế, mỗi lần có bệnh nhân đến khám, bà Xơ lại tìm cách đến gần để... nghe lỏm cách bắt bệnh, cắt thuốc của chủ nhà.

"Tôi học nhanh lắm. Chỉ một thời gian sau tôi đã biết đến những kiến thức khoa học, chẳng hạn như ghẻ thì ăn nông, còn nấm thì ăn sâu, tổ đỉa chỉ "ăn" ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, các bẹn... Chỉ cần nhìn vào nốt bệnh là tôi biết người ta bị tổ đỉa, vảy nến hay á sừng và khi mắc bệnh như thế thì phải chữa bằng thuốc gì, chữa như thế nào", bà vui vẻ cho biết.

Sau hơn một năm làm thuê, bà trở về quê, lập gia đình, tiếp tục làm ruộng và chữa ghẻ. Mãi đến đầu năm 2000, bà mới chuyên tâm làm nghề chữa các bệnh ngoài da nhờ áp dụng những kiến thức đã học được của ông Tuấn, đầu tư tiền của mua thuốc thang và dụng cụ y tế.

Sự kết hợp "kim - cổ"

Dẫn tôi vào căn phòng làm nơi chữa bệnh, bà Xơ chỉ cho tôi xem "đồ nghề" của mình. Tôi nhìn kỹ chiếc khay đặt trên cái tủ gỗ ở góc phòng: Một bịch bông trắng, một hộp đựng xi-lanh chưa dùng đến, những lọ thuốc với màu sắc khác nhau, không ghi nhãn mác như thuốc Tây nhưng bà có thể phân định và chỉ cho tôi đâu là thuốc chữa tổ đỉa, đâu là thuốc chữa nấm, thuốc chữa á sừng... rồi hộp thuốc gây tê.

Thấy tôi hơi băn khoăn, bà liền giải thích: "Riêng với những bệnh nhân bị tổ đỉa, vảy nến, á sừng, tôi phải tiêm thuốc tê cho họ rồi mới khêu ổ, bôi thuốc Nam vào, chứ không thì họ đau lắm".

Bà biết tiêm cũng rất tình cờ. "Lần đầu tiên khêu ổ cho một chị bị tổ đỉa, tôi thấy chị ấy nước mắt nước mũi ròng ròng, luôn miệng kêu đau. Tôi cũng khó xử. Sau đó, tôi ra bệnh viện huyện, hỏi bác sĩ về tác dụng của thuốc gây tê. Biết là không có tác hại xấu đến bệnh nhân, tôi mua về, tham khảo cách tư vấn của bác sĩ rồi đọc kỹ hướng dẫn khi dùng. Thế là biết tiêm từ dạo ấy".

Theo bà Xơ, trong những ca đến chữa trị thì ghẻ chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít, đại đa số là bị nấm, tổ đỉa, vảy nến. "Bệnh ngoài da có nhiều kiểu, nhưng cách chữa thì gần giống nhau. Chỉ cần tìm được ổ để khêu lên là được. Tôi vốn biết bắt ghẻ nên việc tìm ổ, khêu lên khá dễ dàng. Quan trọng là mình biết pha chế liều lượng thuốc như thế nào cho phù hợp với từng loại bệnh, từng mức độ nặng - nhẹ của bệnh nhân để bôi vào là được".

Khoảng 5 giờ chiều, một bệnh nhân tên Tuyên, thiếu úy quân đội đến. Bà Xơ nhẹ nhàng vạch tóc của bệnh nhân lên. Tôi để ý thấy lớp da đầu bị tróc vảy, mẩn đỏ, tóc rất thưa.

"Nhiều bệnh nhân bị nấm đầu kiểu này lắm, thông thường là do dầu gội kém chất lượng hoặc gội đầu xong, tóc chưa kịp khô đã đội ngay mũ bảo hiểm lên làm cho da đầu "bí hơi", vi khuẩn có điều kiện phát sinh", bà cho biết. Nói rồi, bà lấy cây kim đựng trong chiếc hộp đảm bảo "khử trùng" rồi "gậy" nhẹ cho tróc lớp vảy đang bám vào da đầu bệnh nhân để "tìm ổ nấm".

Sau đó, bà lấy bông thấm giọt máu đang rỉ ra rồi bôi thuốc đặc trị vào. Đó là một thứ thuốc bột sánh, màu đen. Tôi hỏi bà có biết gì về thành phần của thuốc, bà bảo "Những loại thuốc này mẹ tôi mua của người dân tộc, chỉ biết là để chữa nấm đầu thôi, còn thành phần của thuốc thì mình chịu".

Bác sĩ cũng đến chữa

40 năm chữa các bệnh ngoài da, bà Xơ không thể nhớ hết mình đã chữa khỏi cho bao nhiêu người. Chỉ biết, mỗi ngày, bà tiếp trung bình từ 7 - 10 bệnh nhân, hôm cao điểm vào mùa hè lên đến 15, 16 người.

Bệnh nhân của bà ở hầu khắp các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, từ Thái Bình, Nam Định, rồi cả người ở Bắc Giang xuống, Quảng Ninh lên. Xa nhất là bệnh nhân trong TP.HCM. Nhiều người cảm phục, quý trọng bà, nhận bà làm mẹ nuôi, vẫn thường xuyên gọi điện về thăm hỏi ông bà.

Bà kể, hầu hết bệnh nhân đến với bà đều đã đi chữa nhiều nơi, có người chữa hơn chục năm mà không khỏi, bệnh lan ra đầy mình. Có người đã vào Nam, ra Bắc, uống tới cả chục triệu tiền thuốc. Họ tìm đến với bà khi không còn hy vọng, mang tâm lý "thử một lần cuối cùng xem sao".

Như trường hợp của bà Thìn, 66 tuổi ở Đăk Lăk bị tổ đỉa hơn 40 năm, được bà Xơ chữa nay đã khỏi hoàn toàn. Hay trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh, 20 tuổi, xã Phương Liễu, Quế Võ, Bắc Ninh bị nấm móng. Đầu ngón tay, ngón chân bị tróc lên, mưng mủ tiết ra mùi tanh rất khó chịu.

Quá mặc cảm, tự ti, Thanh không dám tiếp xúc với mọi người và đã từng nghĩ đến cái chết. Nhờ có người giới thiệu, Thanh tìm đến nhà bà Xơ. "Bây giờ cháu nó đã lập gia đình, nhận tôi làm mẹ nuôi rồi. Thi thoảng, nó vẫn ghé qua thăm vợ chồng tôi", bà Xơ cười báo tin vui.

Nhưng điều mà bà Xơ cảm thấy tự hào và chắc chắn về cách chữa của mình hơn cả là có rất nhiều bác sĩ đã đến nhờ bà chữa trị. Chẳng hạn như trường hợp BS Xuân (Bệnh viện Quân đội 10) chữa tổ đỉa, BS Cường (Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh) chữa nấm đầu, BS Đông chữa tổ đỉa...

Những trường hợp này hiện nay đã khỏi bệnh hoàn toàn hoặc đã đỡ đến 90%, đang đợi điều trị tiếp giai đoạn cuối. "Nếu cách chữa của tôi phản khoa học thì làm gì các bác sĩ được đào tạo bài bản, hiểu biết rộng lại tìm đến", bà Xơ lập luận.

Bà Xơ sinh năm 1957, có ba người con. Hiện, người con trai cả của bà Xơ đang theo nghề của mẹ. Bà dự định sẽ truyền tiếp nghề  cho cô con dâu thứ hai. "Tôi tin các con tôi sẽ sống được với nghề gia truyền này. Vì thuốc Tây có tác dụng làm cho bệnh không phát triển, lặn xuống nhưng không triệt để. Chỉ khi tìm được ổ bệnh và khêu lên, kết hợp với dùng thuốc Nam thì bệnh mới khỏi hoàn toàn".

Thanh Thủy
nguồn : http://kienthuc.net.vn/

Share this article :

Post a Comment

 
Support : SHARE CLIP 24H | Liên Hệ | Bản quyền và Điều kiện sử dụng
Copyright © 2011. SHARE CLIP 24H - All Rights Reserved
Template Created by Creating Website Published by Mas Template
Proudly powered by Blogger